Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị định 63/2016/NĐ-CP (NĐ 63/CP) quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới trên tinh thần tăng cường quản lý, giảm bớt thủ tục.
Tạo điều kiện cho doanh nghiệp
Theo Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam Trần Kỳ Hình: Nguyên tắc của Nghị định 63/CP là thông thoáng, minh bạch hơn, nhằm “trải thảm đỏ” tạo thuận lợi cho nhà đầu tư, đồng thời đáp ứng tiêu chí kiểm soát chặt chất lượng kiểm định. Sự thông thoáng, minh bạch thể hiện bằng các quy định rõ ràng và giảm các thủ tục “tiền kiểm”, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư, nhưng đồng thời tăng điều kiện “hậu kiểm” để kiểm soát chất lượng dịch vụ. Chẳng hạn như: Nghị định 63/CP bỏ việc chấp thuận chủ trương mà thực hiện theo quy hoạch đã được phê duyệt, đơn giản hóa thủ tục trước khi cấp. Nghị định cũng bỏ thời hạn hiệu lực của giấy chứng nhận hoạt động kiểm định, thay vào đó sẽ “hậu kiểm” bằng hình thức xử lý thu hồi giấy chứng nhận, đình chỉ hoạt động.
Hình ảnh minh họa
Nghị định 63/CP đã nêu rõ, đơn vị kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới phải đáp ứng các điều kiện như: Việc thành lập đơn vị đăng kiểm phải phù hợp với quy hoạch tổng thể mạng lưới các đơn vị đăng kiểm và dây chuyền kiểm định; hoạt động đăng kiểm phải đáp ứng điều kiện về cơ sở vật chất, thiết bị, nhân lực theo quy định, được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định xe cơ giới.
Cụ thể, đơn vị đăng kiểm có một dây chuyền kiểm định loại I phải có diện tích mặt bằng tối thiểu sử dụng cho hoạt động kiểm định là 1.250 m2. Đơn vị đăng kiểm có một dây chuyền kiểm định loại II phải có diện tích mặt bằng tối thiểu sử dụng cho hoạt động kiểm định là 1.500 m2. Đối với đơn vị có hai dây chuyền kiểm định có tổng diện tích tối thiểu là 2.500 m2. Các đơn vị có 3 dây chuyền kiểm định trở lên thì diện tích sử dụng cho hoạt động kiểm định từ dây chuyền thứ 3 trở lên tăng thêm tương ứng cho mỗi dây chuyền không nhỏ hơn 625 m2.
Theo đại diện các doanh nghiệp đăng kiểm, trước đây các đơn vị hoạt động kiểm định xe cơ giới phải có mặt bằng tối thiểu khoảng 1.500 m2, do đó quy định này phần nào tạo điều kiện cho các doanh nghiệp khi thống kê diện tích của trung tâm đăng kiểm trong thủ tục với các cơ quan chức năng.
Quản lý chặt chẽ hơn
Theo các ngành chức năng, có những nội dung đáng chú ý trong Nghị định số 63/CP là chỉ tổ chức được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kiểm định mới được phép kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới. Đơn vị đăng kiểm sẽ bị đình chỉ một phần hoặc toàn bộ hoạt động kinh doanh đăng kiểm từ một đến ba tháng nếu không đảm bảo điều kiện về cơ sở vật chất, nhân lực, thiết bị…
Điều đáng chú ý của nghị định này là, đơn vị đăng kiểm không đồng thời được kinh doanh hoặc có liên quan trực tiếp với tổ chức vận tải khách bằng xe ô tô, bảo dưỡng, sửa chữa xe. Nếu đơn vị đăng kiểm là doanh nghiệp cổ phần, tổ chức, cá nhân kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, bảo dưỡng, sửa chữa xe cơ giới không được nắm giữ 10% cổ phần của tổ chức kinh doanh dịch vụ kiểm định.
Theo các chủ doanh nghiệp vận tải, quy định này sẽ hạn chế được tình trạng doanh nghiệp vừa làm trung tâm đăng kiểm vừa làm dịch vụ bảo dưỡng, sửa chữa, sau đó “ép” các xe đăng kiểm bị phát hiện lỗi sau khi đăng kiểm phải vào cơ sở sửa chữa của mình khắc phục với giá cao. Tuy nhiên, đại diện một doanh nghiệp dịch vụ đăng kiểm cho rằng, chỉ nên cấm đơn vị đăng kiểm bắt ép chủ phương tiện phải vào sửa chữa ở một cơ sở nào đó; còn dịch vụ kiểm định đã có các tiêu chí khoa học, nơi nào đạt tiêu chuẩn mới được hoạt động và trong quá trình hoạt động phải duy trì được chất lượng dịch vụ.
Ngoài ra, các đơn vị đăng kiểm cũng phải có cơ sở dữ liệu được bảo mật theo yêu cầu của việc kiểm định và kết nối được để truyền dữ liệu về cơ sở dữ liệu kiểm định chung của cả nước tại Cục Đăng kiểm Việt Nam; đồng thời có hệ thống tiếp nhận thông tin đăng ký kiểm định trước của chủ xe qua điện thoại, website hoặc thông qua dịch vụ công trực tuyến…
Theo ông Đặng Trần Khanh, Phó Trưởng phòng Kiểm định xe cơ giới (Cục Đăng kiểm Việt Nam), hoạt động kiểm định phải đặt yếu tố đảm bảo chất lượng an toàn kỹ thuật và môi trường lên hàng đầu để bảo vệ hạ tầng giao thông và ngăn ngừa tai nạn giao thông. Quan trọng là, “Hoạt động kiểm định cần sự độc lập, khách quan, minh bạch, không bị chi phối bởi lợi ích của các hoạt động liên quan. Các điều kiện cụ thể khác như khống chế về năng suất, ví dụ một đăng kiểm viên kiểm định không quá 20 xe/ngày, cũng nhằm ngăn chặn việc kiểm định chỉ chạy theo lợi nhuận”, ông Đặng Trần Khanh, khẳng định.
Theo Đăng Kiểm Việt Nam